Hôm Nay Tiêu Tiền Chưa?
Chương 4:
Ngày nhận được thông báo, cậu hỏi A11: “Có phải anh ấy đã trở lại không?”
Lần này hệ thống không im lặng nữa, nó nói: “Ký chủ đừng lo lắng, chủ nhân sẽ trở lại rất nhanh ~”
Tô Ngự không biết liệu hệ thống có phải đang an ủi mình hay không, nhưng kể từ ngày đó, Tô Ngự bắt đầu chờ đợi người kia trở lại.
Cậu chờ từ đầu tháng Tám đến cuối tháng Tám, sắp khai giảng rồi mà người kia vẫn chưa trở lại.
Ngày đến trường, Tô Ngự mang theo hai vali hành lý. Đây là cậu mua lúc làm nhiệm vụ, mỗi ngày tiêu tiền trong nhiệm vụ cũng không quá khó, đơn giản mua một bộ quần áo hoặc một đôi giày liền hết.
Học phí ngành nghệ thuật có cao hơn chút, toàn bộ mất khoảng một vạn hai (12.000), nhưng hôm nay nhiệm vụ của Tô Ngự chỉ có 6.200.
Tô Ngự đi xếp hàng nộp học phí, khi đến lượt mình, cậu hỏi: “Em có thể nộp làm hai lần không? Hôm nay một nửa, ngày mai một nửa.”
Nghe được câu hỏi, giáo viên thu học phí sửng sốt, sau đó nói: “Được.”
Sau khi nộp một nửa học phí và nhận biên lai, Tô Ngự đi tìm phòng ký túc xá của mình để cất hành lý.
Trong ký túc xá đã có hai người, bởi vì không quen biết nhau nên rất yên tĩnh. Tô Ngự để hành lý vào tủ và số giường tương ứng rồi chuẩn bị ra ngoài mua chăn ga gối đệm.
Thấy Tô Ngự chuẩn bị ra ngoià, Phạm Thư Thuỵ vội gọi cậu lại.
“Cậu ra ngoài à?” Giọng nói rất nhẹ vang lên.
Tô Ngự: “Ừm.”
Gương mặt thanh tú của Phạm Thư Thuỵ mỉm cười với Tô Ngự: “Tớ đi cùng cậu nhé.”
Tô Ngự nhìn giường của Phạm Thư Thuỵ, trống rỗng. Cả phòng ký túc chỉ có một chiếc giường đã trải xong, chắc là của một người khác. Thứ họ muốn mua giống nhau.
“Ừ.” Tô Ngự nói.
Nghe xong, Phạm Thư Thuỵ cầm ví tiền trên bàn đi cùng Tô Ngự ra ngoài. Phạm Thư Thuỵ có hơi nói nhiều: “Tớ bảo này, phòng ký túc này xịn hơn nhiều so với ký túc trước kia của tớ nhé, rộng thật ấy! Tớ là người đầu tiên đến ký túc, là tớ quét dọn phòng đó.”
Phạm Thư Thuỵ tự hào nói.
Tô Ngự nhìn sàn nhà, quả thực rất sạch sẽ.
Cửa ký túc xá được mở ra, một thiếu niên da ngăm đen bước vào, từ đầu đến chân đều mặc đồ có logo sặc sỡ, nếu không phải có dung mạo ổn thì đúng là thảm họa.
“Sao phòng ký túc này lại nhỏ như vậy?” Một người đàn ông trung niên dáng người mập mạp đứng bên cạnh thiếu niên nhìn ký túc xá than thở: “Phòng nhỏ như vậy có thể ở được sao?”
Nói xong, hắn lại sờ sờ lớp bụi trên cửa: “Vệ sinh còn kém như thế nữa, nơi này sao có thể là nơi người ở! Bố nói Húc Húc nha, sao con cứ không chịu nghe lời bố mà ở trong trường học làm gì. Bố mua biệt thự ở bên ngoài trường cho con ở nhé?? Sao cứ phải tới cái nơi nhỏ bé nát bét bẩn thỉu này chịu khổ!”
Ba người trong ký túc xá đồng loạt nhìn hắn.
“Được rồi.” Ngôn Húc giơ tay bịt miệng cha Ngôn, “Con đi học hay bố đi học vậy?”
Nói xong, cậu tai sải bước vào ký túc xá rồi ngồi xuống một chiếc bàn trống. Phía sau là bốn vệ sĩ mặc vest đen khiêng hành lý vào ký túc xá, lại nhanh chóng giúp cậu ta lau bàn, dọn giường, thu dọn đồ đạc.
Người đàn ông trung niên thở dài, sự bất lực hiện rõ trên khuôn mặt.
Sau đó, hắn nhìn những người khác trong ký túc xá, mỉm cười bước lên phía trước: “Các cháu cũng ở ký túc xá này phải không? Từ nay về sau phiền các cháu chăm sóc con trai chú nhé. Đây đây, đây là bao lì xì của chú.”
Cha Ngôn móc bao lì xì thật dày ra đưa cho ba người.
“Cháu không lấy.” Tô Ngự đẩy bao lì xì trở lại. Bao lì xì này rất dày, ít nhất cũng có một vạn, không thể nhận được.
Phạm Thư Thuỵ cũng không buồn nhìn bao lì xì mà từ chối luôn.
Hai người đã từ chối thì người kia cũng từ chối. Cha Ngôn vẫn cầm bao lì xì khuyên họ nhận, Ngôn Húc không nhìn được, đứng dậy kéo cha Ngôn đi.
“Lì xì cái gì chứ, bố đi về đi, đã bảo đừng có theo con tới đây mà.”
Cha Ngôn bị kéo ra khỏi ký túc rồi mà vẫn đang thê thảm cầm bao lì xì.
Thấy Ngôn Húc kéo cha Ngôn ra ngoài, các vệ sĩ cũng thu dọn đồ đạc và rời đi.
Phạm Thư Thuỵ thấy đám người kia đã đi hết liền phàn nàn: “Tôi vừa nói xong đã bị họ vả mặt rồi, lại còn chê phòng ký túc bẩn! Người bình thường có ai lại quét bụi trên cửa đâu nha!?”
Phạm Thư Thuỵ nói vậy nhưng vẫn đẩy chiếc ghế cậu bạn kia vừa kéo ra ngồi gọn vào gầm bàn.
“Các cậu đi mua đồ à? Tớ đi tới.” Tằng Gia Thần vẫn ngồi im một chỗ không nói chuyện nhìn họ.
“Được.” Phạm Thư Thuỵ đáp.
“Tằng Gia Thần.” Tằng Gia Thần nói.
“Phạm Thư Thuỵ.” Phạm Thư Thuỵ cũng tươi cười.
Tô Ngự nhìn hai người họ: “Tô Ngự.”
Dưới lầu, cách khu ký túc xá không xa có đàn anh đàn chị đang bán hàng, vì là đầu năm học nên buôn bán rất tấp nập.
Hôm nay Tô Ngự đã nộp 6.000 tiền học phí, còn thừa 200 thì mua ít đồ dùng tạm, còn lại định hai ngày nữa mua nốt.
Ngày đầu đi học đã tốn khá nhiều tiền. Cả Phạm Thư Thuỵ và Tằng Gia Thần đều mua rất nhiều thứ. Tô Ngự thì mua kem đánh răng, bàn chải và khăn tắm. Vì da rất mẫn cảm nên Tô Ngự không mua sữa tắm, còn lại cậu cũng rất tiết kiệm. Trừ nhu yếu phẩm, cậu chỉ mua thêm một cái xô nước, một cái đệm mềm cùng gối đầu, vỏ chăn và chăn thì chưa mua.
Không phải Tô Ngự không muốn mua, mà là không đủ tiền, 200 thì có thể mua mấy thứ này thôi, còn lại 30 đồng còn phải ăn cơm.
“Tô Ngự, cậu không mua vỏ chăn à?” Sợ Tô Ngự quên, Phạm Thư Thuỵ liền nhắc nhở.
“Không có tiền.” Tô Ngự nói.
Nghe Tô Ngự nói vậy, Phạm Thư Thuỵ không dám nói nữa, ánh mắt có hơi đồng tình.
Học viện Mỹ thuật thủ đô nằm trong Đại học Thủ đô, cơ sở vật chất đầy đủ, hoàn thiện nhất hẳn là hệ thống nhà ăn.
Trên đường trở về ký túc xá, họ bị nhét đầy tờ rơi toàn là về đồ ăn. Vì dọn đồ hơi mệt nên cả ba chẳng muốn xuống ăn cơm nữa. Mua cơm hộp là lựa chọn tốt nhất, tiện lợi hơn là còn được giao đến tận cửa.
Tô Ngự quét mã QR trả tiền, cậu gọi một suất xào cay 20 đồng cùng một suất hoa quả 10 đồng.
Vừa mới định nghỉ ngơi, đáng tiếc ký túc xá cách âm không tốt.
“Hahaha, cậu nói thật à? Học phí nộp làm hai lần á?”
“Tôi thấy cậu ta mặc nguyên cây đồ hiệu, nhìn y như thật, không ngờ lại còn đòi nộp học phí hai lần. Cậu không biết tôi đứng sau nghe cậu ta hỏi có thể nộp hôm nay một nửa ngày mai một nửa thì xấu hổ đến mức nào đâu. Cậu ta tên gì nhỉ? À, đúng ngồi, hình như là Tô Ngự, ha ha ha.”
“Gì? Tô Ngự? Tên này sao nghe quen quen nhỉ.”
“Có phải thiếu gia giả trong vụ nhà giàu số một tỉnh G kia không?”
“Tôi có đọc tin tức, thời gian trước ầm ĩ lắm, nhưng chắc không phải cậu ta đâu. Thành tích của thiếu gia giả kia làm sao vào trường chúng ta học được, trừ khi cậu ta thi môn nghệ thuật.”